Lâu lắm mới có cơ hội ngồi tán chuyện phiếm với một người anh lớn hơn mình 7 tuổi mà tôi rất ngưỡng mộ thời còn học tiểu học. Thời đó tôi là một cậu bé mới hơn 10 tuổi, vô cùng ngưỡng mộ anh vì anh học siêu giỏi, giải nhì Toán quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học. Anh tốt nghiệp cử nhân, học lên thạc sĩ và có một công việc ổn định.
Sau rất nhiều chuyện trên trời dưới đất thì anh lại quay lại câu chuyện của tôi. Câu chuyện của một sinh viên năm đầu dám bỏ học để làm những việc điên rồ. Tôi hơi ngại nói với anh rằng chẳng qua đó cũng chỉ là một quyết định do nhân duyên thì nhiều hơn là chủ động. Anh bỗng nói một câu mà tôi chưa bao giờ nghe ai nói với tôi trước đó:
– Anh thấy với tính cách của chú, không bỏ đại học mới là ngu!
Tôi đã nghe rất nhiều lời tiếc nuối, nhiều lời trách móc, nhiều thái độ không hiểu và xa lạ của những người biết về câu chuyện bỏ học đại học của tôi, từ gia đình, người thân, bạn bè, anh chị em trong nhà. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một câu như thế từ một người coi trọng chuyện học hành và phấn đấu cả đời mình vì nó. Điều ngớ ngẩn nhất đó là: Tôi tự thấy đó là câu nói đúng nhất đối với tôi mà chính tôi cũng chẳng thể nghĩ ra!
Bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện bỏ học của tôi. Qua câu chuyện này tôi không có ý khuyến khích bạn bỏ đại học để theo đuổi những ước mơ viển vông nào đó, như bước lên đỉnh giàu có tựa Bầu Đức! Đừng bao giờ nghe truyền thông ca tụng câu chuyện không bằng cấp của mấy tỷ phú như Bill Gates, Steve Jobs, Michael Dell, Lý Gia Thành… Kể cả câu chuyện của tôi, bạn cũng chỉ nên xem như một ví dụ nho nhỏ về sự tự do chọn lựa con đường của mình, và chỉ thế thôi.
Ngày đầu tiên tôi bước vào lớp Một, cô giáo hỏi ba tôi:
– Xin lỗi anh chứ cháu ở lại lớp năm thứ mấy rồi ạ?
Ba tôi chưng hửng:
– Cháu nó mới từ lớp mẫu giáo lên mà cô!
Tôi nghe đoạn đối thoại đó và cảm thấy rất khó chịu, tôi không hiểu tại sao cô giáo lại hỏi ba tôi điều ngớ ngẩn như thế. Nhưng sau đó lời giải thích của cô giáo làm tôi suýt bật cười:
– Bởi vì cháu to lớn quá nên tôi cứ tưởng…!
Đó chính là nguyên nhân mà trong tất cả mọi hoạt động cần phải xếp hàng thời đi học, tôi đều phải đứng ở cuối hàng. Nhưng bảng điểm của tôi thì luôn luôn ở top 1, tôi cũng không hiểu có phải do mình cứ phải bị đứng ở cuối hàng nên tôi đã cố gắng để được đứng ở hàng đầu trong một bảng xếp hạng khác. Tôi chỉ biết rằng thành tích học tập suốt 12 năm của tôi là một kết quả rất ấn tượng, rất làm hài lòng cha mẹ, thầy cô, người thân, kể cả hàng xóm, và kể cả chính tôi cũng cảm thấy hãnh diện.
Cũng chính vì bảng thành tích đó, tôi có quyền có một ước mơ “lớn”! Năm học lớp 11, khi đã bắt đầu thoáng thấy thế giới của tiền bạc thì trong tôi nảy nở một ước mơ, ước mơ mà khi được chia sẻ với cô bạn gái đầu tiên thì tôi cảm thấy rất xấu hổ khi cô ấy không nhịn được phải bật cười. Ước mơ ngắn gọn như thế này:
Kiếm được 1 tỷ đồng năm 25 tuổi!
Dù sao đó cũng là ước mơ chính đáng, trở nên thầm kín mà tôi sẽ quyết tâm theo đuổi. Con đường duy nhất mà tôi biết lúc ấy để thực hiện ước mơ là: HỌC! Tôi đã hoàn thành 12 năm học với kết quả ngoạn mục, tôi nghĩ rằng để học giỏi như thế tôi đã chịu sự tác động to lớn từ ước mơ làm giàu cháy bỏng. Học giỏi nhất trường, thi Olympia, đỗ 3 trường đại học, Á khoa đại học Kinh tế là những thành tích cuối cùng của tôi trên con đường học vấn trước khi tôi từ bỏ nó.
Tôi sẽ nói rõ vì sao tôi bỏ học. Tôi là một người có logic, học giỏi các môn tự nhiên nên hẳn tôi chẳng khó khăn gì để liên kết các sự kiện sau đây và đưa ra quyết định: Bỏ đại học.
Năm đầu tiên ở giảng đường đại học, mọi thứ vẫn còn là màu hồng. Tôi vẫn như bao sinh viên khác: ở kí túc xá, ăn cơm tháng, nỗ lực học hành và mơ về tương lai tươi sáng. Nhưng liệu đó có phải là ảo tưởng? Những việc làm đó có phải là những hành động thực tế và thực dụng để thực hiện ước mơ cụ thể của mỗi cá nhân? Hai câu hỏi đó sẽ không xuất hiện trong đầu tôi nếu tôi không đi thăm những người anh, người chị lớn hơn tôi 7 tuổi.
Tại sao lại là 7 tuổi? Bởi vì năm tôi học lớp 5 còn các anh chị ấy học lớp 12 chúng tôi tập hợp lại cùng nhau trong khu nội trú của Sở Giáo dục Đào tạo để học bồi dưỡng thi học sinh giỏi Quốc gia. Sau khi thi xong thì tôi ít gặp lại nhưng vẫn giữ liên lạc vì tôi rất quý họ. Sau bao năm dài sự hình dung của tôi dành cho họ luôn đẹp đến ngỡ ngàng : những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, làm những công việc xuất sắc và có thu nhập xuất sắc, giàu có. Trong sự hình dung đó có cả hình ảnh chính tôi, sau một vài năm nữa tôi sẽ ở trong thế giới đẹp đẽ đó.
Sau khi ổn định ở ký túc xá, tôi rất phấn khích liên hệ với từng người trong số họ. Lúc đó họ đã tốt nghiệp đại học khoảng 3 năm, hẳn cuộc sống đã rất tốt. Tôi đạp xe từ Thủ Đức vào trung tâm Sài Gòn, tìm địa chỉ từng người một.
Hãy nhớ giúp tôi: Tôi muốn có 1 tỷ đồng năm 25 tuổi. Và họ đang ở tuổi 25!
Tôi đến thăm từng người một. Sau khi thăm người thứ nhất, tôi cảm thấy khó hiểu. Anh ở trong căn nhà trọ tồi tàn, hay hút thuốc, uống rượu và dự định học tiếp lên cao hơn. Sau khi thăm đến người cuối cùng trong danh sách, tôi hoàn toàn sụp đổ! Họ đều ở trong những căn phòng trọ nhỏ, đa số đều có việc làm nhưng đều than vãn về lương. Trong mắt họ dường như tương lai chỉ là màu xám!
Trước chuyên đi thăm tôi phấn khích bao nhiêu thì khi về tôi tuyệt vọng bấy nhiêu. Những người anh người chị đi trước tôi, học giỏi hơn tôi, thông minh hơn tôi mà lại có cuộc sống như thế sao? Có điều gì đó rất sai lầm đang tồn tại. Logic duy nhất lúc đó xuất hiện trong đầu tôi là: Nếu tôi làm giống họ, đi con đường họ đã từng đi thì năm 25 tuổi tôi cũng sẽ giống họ! Đó là điều khủng khiếp nhất mà tôi không muốn hình dung tới một mảy may nào.
Tôi trở về ký túc xá, mọi thứ vẫn diễn ra như mọi khi nhưng nhận thức của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi biết chắc chắn một điều: Nếu tôi học tiếp dù giỏi cách mấy cũng không thể nào chạm tới được một phần nhỏ trong ước mơ của mình khi tôi 25 tuổi.
Đi con đường khác?
Tôi lục lọi gần như nát cả thư viện ở trường đại học chỉ để tìm những cuốn sách nói về thành công và giàu có. Ở thư viện năm 1999 không có nhiều sách lắm nói về những điều tôi đang tìm kiếm. Tôi đạp xe đạp ngày qua ngày tiếp tục lục lọi hầu hết các nhà sách ở nội thành TP.HCM. Khi đọc những quyển sách nói về thành công, một thế giới khác bắt đầu mở ra. Tôi bắt đầu biết tới Bill Gates, quả thật ông ấy là một cảm hứng to lớn cho tôi. Nhưng chưa đủ, vì ông ấy ở bên Mỹ còn tôi ở một đất nước hoàn toàn khác. Tôi nghiên cứu sách vở, nhìn những người giàu có ở Sài Gòn thời đó, nhìn những người kiếm được nhiều tiền ở Việt Nam lúc đó. Tôi tiếp xúc với họ, tôi cố gắng hết sức để hiểu việc họ làm. Dường như những gì họ làm hoàn toàn trái ngược với cách làm của các anh chị mà tôi biết, trái ngược với bạn bè tôi, trái ngược với cả chính cách mà tôi đang làm.
Tôi bắt đầu phát hiện ra một thế giới hoàn toàn khác thế giới mà tôi từng thuộc về, một thế giới mà ở đó có sự tự do, có sự thịnh vượng, có sự đột phá, có sự sáng tạo, có sự tự giác, có tinh thần trách nhiệm bởi vì không ai bảo bạn phải làm gì cả. Đó là thế giới của những người chủ. Những người tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. Những người tự trả lương cho mình. Tự quyết định lấy thu nhập của mình. Tự quyết định sẽ làm gì để tồn tại và thành công. Tự quyết định sẽ thuê ai, trả lương cho họ bao nhiêu và đòi hỏi họ làm những gì cho mình. Tự quyết định sẽ sống trong ngôi nhà thế nào, đi xe hiệu gì, ăn những món gì ở nhà hàng nào, đi du lịch ở đâu, giao thiệp với ai và làm tất cả những gì mình thích. Tôi thì khác hơn một chút, sau khi đã nhìn thấu một phần nào thế giới kinh doanh, tôi bắt đầu thay đổi ước mơ. Chỉ ước mơ giàu có thì quá nhỏ bé, ước mơ làm một cái gì đó thật sự ý nghĩa cho đời mình, đó mới chính là ước mơ không bao giờ có thể mất đi.
Đầu năm thứ 2 của đời sinh viên, tôi quyết định tự mình rời khỏi giảng đường và bước ra đường. Quyết định đó, tôi biết sẽ gây sốc sâu sắc trên diện rộng. Gia đình sốc, người thân sốc, bạn bè sốc, thầy cô sốc, ai cũng sốc chỉ có tôi là không hề sốc chút nào.
Tôi bắt đầu được sống cuộc đời của mình. Vấn đề ở đây không phải là chuyện thành công, giàu có, nổi danh hay sẽ thất bại, nghèo túng và lọt thõm đâu đó trong đám đông mà là tôi chọn con đường phù hợp với ước mơ của mình, với tính cách của mình. Tất nhiên quyết định đó trong nhiều năm vẫn bị mọi người phản đối như cách họ vẫn thường làm với những hành động khác lạ. Nhưng bằng cách này hay cách khác tôi vẫn kiên trì cách sống của mình.
Tôi đã không đạt được ước mơ về tài chính của mình năm 25 tuổi, trễ hơn một chút nhưng tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi mua ngôi nhà đầu tiên ở Sài Gòn năm 26 tuổi, mua chiếc xe hơi đầu tiên cũng năm 26 tuổi và quan trọng hơn hết tôi có doanh nghiệp của riêng mình. Ngày mà tôi cầm trên tay sổ hộ khẩu TP.HCM tôi thực sự xúc động bởi vì tôi biết rằng chỉ một quyết định thôi, một quyết định dũng cảm và logic có thể thay đổi tương lai đến mức độ khó tin. Tôi không muốn đề cập đến những gì tôi làm trong suốt 7 năm để thực hiện ước mơ của mình bởi vì nó cũng chỉ là một mô hình quen thuộc: Hành động, sai lầm và sửa lỗi, thay đổi.
Tôi chỉ muốn nói một điều tối quan trọng: Tôi đã lựa chọn cách sống mà tôi thuộc về. Chính vì thế tôi không cảm thấy những việc tôi làm như là đi giao hàng, rong ruổi ngoài đường phố dưới nắng mưa, thuyết phục người khác đến rát cổ họng để mượn tiền làm vốn, tranh cãi vì quyền lợi… là những việc tầm thường hay cực khổ gì cả. Đó đơn giản là những việc làm phi thường đối với tôi, rất tự nhiên đối với tôi.
Hiện nay, 3 đứa em tôi đều kinh doanh riêng. Chúng có thể còn tài năng hơn tôi, tôi nghĩ vậy. Tôi thì vẫn ngang bướng và sống theo cách riêng của mình. Tôi thấy mình có được sự tự do.
Trên đây chỉ là những gạch đầu dòng của câu chuyện mà trong một vài dòng ngắn ngủi sẽ không thể tóm lược hết. Tôi chỉ muốn cố gắng viết ra một số suy nghĩ quan trọng cho những ai cần một một quyết định, một sự lựa chọn phù hợp đối với chính bản thân mình, với chính ước mơ và tính cách của mình. Bạn có thể đọc rồi quên, hoặc sẽ xem xét kĩ hơn nếu thấy phù hợp với những suy nghĩ và ước mơ thầm kín của bạn. Nếu bạn đã đọc, tôi chân thành cảm ơn bạn đã cố nuốt những dòng lủng củng này. Chỉ có một điều tôi cam đoan với bạn là những gì tôi viết không phải là tiểu thuyết mà là chính cuộc đời tôi. Chúng thực sự rất có ý nghĩa với tôi.
Sau này nếu con cái của tôi thích học đại học hay cao hơn thì đó là việc của chúng, tôi sẽ không can thiệp bởi vì tự do lựa chọn là điều mà tôi trân quý hơn cả sự giàu có và thành công.
Một điều nữa, bỏ đại học không có nghĩa là ngừng học, tôi vẫn đọc sách rất nhiều, nghiên cứu rất nhiều những gì mà tôi cần cho cuộc sống. Tôi viết lách khá nhiều. Tôi tạo lập các mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau bởi vì tôi nghĩ cuộc sống là sự rộng lớn tột cùng. Tôi hiểu rằng học từ người khác, nhất là học từ những người tuyệt vời thì quan trọng hơn học từ sách vở nhàm chán. Có những người mà tôi xem như những người thầy vĩ đại. Có quá nhiều người mà tôi biết ơn họ một cách sâu sắc vì đã giúp đỡ tôi một cách hết mình nhất có thể, kể cả khi thuận lợi và khi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.
Đến đây, bạn đã hiểu vì sao tôi lại tự cho rằng nếu tôi không bỏ đại học thì tôi là một người cực kỳ ngu dốt đối với bản thân mình rồi chứ?
Mr. Bow
=================